Khoảng thời gian từ khi bắt đầu mang thai cho đến khi thai nhi được 12 tháng tuổi là một giai đoạn rất quan trọng. Nuôi dưỡng đúng cách trong giai đoạn này là sự đầu tư tốt nhất để giúp trẻ lớn lên khỏe mạnh, thông minh và hạnh phúc. Trẻ nên uống bao nhiêu sữa? Có nên đánh thức trẻ đang ngủ để ăn không? Khi nào bé con có thể bắt đầu ăn dặm? Ở mỗi giai đoạn phát triển, trẻ có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau. Sau đây là chế độ dinh dưỡng của trẻ dưới 1 tuổi cha mẹ cần hết sức lưu tâm.
Giai đoạn mang thai
Trong thời gian mang thai, bạn cần nguồn dinh dưỡng hợp lý cho sức khỏe của chính bạn và con yêu của bạn. Bạn cần:
- Ăn thêm ít nhất một bữa mỗi ngày.
- Uống bổ sung viên sắt và axit folic hàng ngày.
- Ăn thức ăn giàu sắt: Thịt có màu đỏ, cá, trứng, ngũ cốc, và rau xanh. Để tăng cường chất sắt, ngăn ngừa thiếu máu.
- Ăn nhiều hoa quả và đậu đỏ để tăng cường chất xơ.
- Uống nước tinh khiết hoặc đã nấu chín thường xuyên.
Trong 3 tháng cuối của thai kỳ, bạn cần tìm hiểu và được tư vấn về nuôi con bằng sữa mẹ.
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ dưới 4 tháng tuổi
Sữa mẹ là nguồn thực phẩm quan trọng nhất đối với trẻ sơ sinh để phát triển toàn diện về mặt thể chất cũng như trí não. Các bé trong giai đoạn từ 0 đến 4 tháng tuổi cần được cung cấp sữa mẹ hoặc sữa bột. Ngoài ra không cần cho trẻ ăn hoặc uống thêm thứ gì khác. Cho trẻ bú bất cứ khi nào trẻ thấy đói. Ít nhất là 8 lần trong một ngày.
Mỗi lần bú, nên cho trẻ bú hết sữa ở một bên bầu vú rồi hãy chuyển sang bầu bên kia. Sữa trong bầu vú mẹ được chia thành 2 phần. “Sữa đầu” giúp bé giải khát do chứa nhiều nước. Còn “sữa cuối” giúp bé phát triển do chứa nhiều dưỡng chất. Việc cho bé bú hết hẳn sữa ở một bên sẽ giúp trẻ hấp thu được hết dưỡng chất của sữa giúp trẻ tăng cân.
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ từ 4 đến 6 tháng tuổi
Trong giai đoạn này, sữa mẹ hoặc sữa bột vẫn là thành phần chính trong bữa ăn của trẻ. Tuy nhiên, giai đoạn này, các mẹ có thể bắt đầu cho trẻ ăn ngoài khi:
– Sữa mẹ không đủ đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của trẻ.
– Trẻ vẫn còn cảm thấy đói sau khi đã bú mẹ 8 đến 10 lần. Tương đương 1 lít sữa bột mỗi ngày.
– Trẻ tăng cân chậm và số cân nặng không phù hợp với cột mốc phát triển theo lứa tuổi.
Các mẹ nên bắt đầu bằng các loại rau củ xay nhuyễn pha với sữa mẹ hoặc sữa bột. Dần dần điều chỉnh liều lượng rau củ theo khẩu vị và sự tiếp nhận của trẻ.
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ từ 6 đến 10 tháng tuổi
Vẫn cho bé sử dụng sữa mẹ hoặc sữa bột khi nào trẻ đói. Hơn nữa, có thể ăn thêm một lượng thức ăn nhỏ từ bên ngoài như 4 đến 6 tháng. Nhưng bắt đầu từ giai đoạn này, các mẹ cần phải tập cho trẻ ăn dặm. Cụ thể là cho trẻ làm quen với bột, cháo dinh dưỡng. Các mẹ có thể xay nhuyễn các loại rau, củ, thịt cá và nấu chung với cháo để cho bé tập ăn. Nên cho bé ăn dần thức ăn từ lỏng đến đặc. Ngoài ra, có thể bổ sung thêm cho trẻ ngũ cốc, sữa chua, phô mai, trái cây (chuối, nho, lê, bơ, khoai lang…).
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ từ 10 đến 12 tháng tuổi
Lúc này, dinh dưỡng từ sữa mẹ và sữa bột không còn đủ cho việc phát triển của trẻ. Chính vì vậy giai đoạn này các mẹ cần chú trọng bổ sung các bữa ăn chứa nhiều dinh dưỡng với đầy đủ các nhóm chất:
– Đường bột: gạo, mì, khoai, sắn…
– Chất đạm: thịt, cá, trứng, tôm, cua…
– Chất xơ và vitamin: rau, củ, trái cây…
– Chất béo: phô mai, sữa, dầu ăn, các loạt hạt…
Vì hệ tiêu hoá của trẻ lúc này vẫn chưa phát triển hoàn thiện. Nên các mẹ lưu ý băm nhỏ các loại thịt cá và đun chín kỹ các loại thức ăn. Nấu bữa nào ăn bữa đó. Không để thức ăn quá lâu gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ.
Cho trẻ ăn 3 bữa một ngày nếu còn bú mẹ. Và 5 bữa một ngày nếu đã dứt sữa. Nên xen kẽ một thức ăn nhẹ như trái cây, phô mai xen giữa các bữa.
Trên đây là chế độ dinh dưỡng cho trẻ dưới 1 tuổi các mẹ cần nắm để đáp ứng nhu cầu phát triển của trẻ một cách hợp lý và đầy đủ.