Cảm lạnh là một căn bệnh khá phổ biến ở mọi lứa tuổi, nhất là khi thời tiết chuyển mùa. Tuy là bệnh thông thường nhưng nếu không có phương pháp điều trị triệt để thì bệnh sẽ kéo dài rất lâu. Bệnh bắt đầu với các triệu chứng đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi kèm theo ho. Khi bị cảm, cách phục hồi tốt là bạn nên nghỉ ngơi, dùng thuốc phù hợp và ăn uống trong thời gian này để tăng sức đề kháng cho cơ thể. Dù chán ăn hay không ăn được nhiều, bạn vẫn cần đảm bảo cung cấp đủ nước, năng lượng và các khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Sau đây là những món ăn dinh dưỡng được các chuyên gia khuyên dùng vì chúng có tác dụng giải cảm rất tốt.
Canh hầm xương và rau củ
Canh là món dễ ăn và dễ tiêu hóa. Do đó, đây chính là món ăn đứng đầu trong thực đơn những món ăn giải cảm. Nguyên liệu dùng để nấu canh rất đa dạng. Bạn có thể lựa chọn từ thịt gà, thịt bò… cho đến rau xanh, củ, nấm…
Một bát canh nóng hổi, thơm ngon không chỉ cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết cho người ốm như: protein, magie, canxi… Nó còn giúp bạn bổ sung nước, làm dịu cơn đau họng cũng như giảm nghẹt mũi.
Cháo hành giải cảm
Hành 15 – 30g (nếu có hành tăm càng tốt, dùng cả rễ). Gừng tươi 10 – 15g, gạo nếp khoảng 50g (có thể dùng gạo tẻ).
Cách làm: Gạo đem nấu cháo chín. Múc ra cho vào bát đã có sẵn hành, gừng thái nhỏ. Quấy đều rồi ăn lúc cháo còn nóng. Ăn xong nằm nghỉ, đắp chăn cho ra mồ hôi. Khi mồ hôi ra đều sẽ thấy nhẹ người. Lúc đó bỏ chăn ra, lau mồ hôi cho ráo và cần tránh gió.
Chú ý: Có thể cho 1 lòng đỏ trứng gà vào cháo sẽ có tác dụng tăng thêm sự bồi bổ chính khí. Người bị ngoại cảm phong hàn nếu có mồ hôi thì không nên dùng bài thuốc này.
Món súp gà
Súp gà nóng là món chứa nhiều khoáng chất, protein giúp tăng cường hệ miễn dịch. Axit amin cysteine trong thịt gà có tác dụng phá vỡ chất nhầy ở mũi, chống virus, chống viêm và chống oxy hóa. Ngoài ra, súp gà còn giúp ức chế hoạt động của bạch cầu trung tính. Đây là tế bào bạch cầu có thể gây ra các triệu chứng như ho và nghẹt mũi.
Bài thuốc giải cảm hiệu quả
Lá hương nhu (hương nhu tía tốt hơn), lá chanh, lá bưởi, lá tre; cây sả, lá cúc tần, lá lốt, tía tô, kinh giới, lá gừng; rau ngổ, cỏ mần trầu, bạc hà, cúc hoa…
Mỗi thứ 1 nắm, lượng bằng nhau. Tùy điều kiện có thể gia giảm thêm bớt 1 vài vị thuốc. Tất cả rửa sạch cho vào nồi, đổ nước ngập các vị thuốc, đun sôi, hé miệng nồi để hở nhỏ cho hơi thoát lên vừa đủ phả vào mặt bệnh nhân, khi xông trùm chăn kín. Hơi nóng của thuốc bốc lên, làm ra mồ hôi, xông đến khi hết hơi nóng thì thôi. Nước ấy đem rửa mặt, chân tay. Sau đó lau sạch mồ hôi, thay quần áo và để người bệnh ở nơi kín gió.
Cũng với triệu chứng trên nếu có kèm thêm hiện tượng không sợ lạnh, mũi khô, bụng đầy, đại tiện táo, mạch trường thì đó là triệu chứng của cúm, bệnh đã vào sâu bên trong (lý chứng), có thể dùng bài thuốc sau: Rau má 12g (hoặc tinh tre), cam thảo đất 12g (hoặc kim ngân); dây mơ 12g, rễ cỏ tranh 8g (hoặc cây mã đề), cỏ nhọ nồi 8g (hoặc sinh địa), muồng trâu 12g (hoặc vỏ cây đại), cỏ mần trầu 8g (hoặc lá dâu), trần bì 8g. Tất cả rửa sạch, cho vào ấm, đổ ngập nước sắc còn ½ chia 3 lần uống trong ngày vào lúc đói.