Lẩu là một trong những món ăn rất phổ biến ở Việt Nam hiện nay. Nó không chỉ xuất hiện trong menu của các quán ăn, nhà hàng, mà hầu hết các gia đình đều thích quây quần bên nồi lẩu nóng hổi trong các bữa cơm hoặc những ngày tụ tập ăn uống tại nhà. Một nồi lẩu ngon bao gồm nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất vẫn là nước lẩu. Nguyên liệu để nấu lẩu đa dạng như gà, hải sản, sườn, lạp xưởng… nhưng muốn một nồi lẩu đậm đà, hấp dẫn thì bạn phải biết cách làm nước lẩu ngon. Hãy cùng chúng tôi tham khảo ngay những bí quyết nấu nước lẩu ngon để sẵn sàng trổ tài nấu lẩu cho bạn bè và gia đình bất cứ lúc nào nhé!
Công đoạn chọn mua nguyên liệu để nấu nước lẩu
Nguyên liệu sử dụng để nấu nước lẩu nhất định phải chọn loại tươi ngon và áp dụng kỹ thuật chế biến hợp lý. Như vậy, nước dùng mới ngon ngọt, bổ dưỡng. Khi chọn mua xương nấu nước lẩu, bạn nên chọn xương đuôi, xương để nước dùng ngọt, thơm. Không chọn xương đầu vì nước dùng sẽ bị hôi, không ngon.
Các món lẩu gia súc
Như lẩu bò, lẩu heo, lẩu dê, lẩu cừu… nguyên liệu không thể thiếu có riềng, sả, gừng, hành tím nướng. Trong nước dùng bò, bạn nên thêm gừng, hành tím, thảo quả, hoa hồi, quế vào. Với gừng, hành khi nướng không để vỏ bị cháy. Bởi lớp vỏ màu đỏ bên ngoài của hành khi cho vào nước dùng sẽ giúp nước trong, không bị đục, màu đẹp hơn. Thảo quả khi sơ chế lấy phần hạt vàng, hoa hồi bẻ từng cánh. Rồi cho chúng vào một miếng vải sạch, đặt vào nồi nước dùng cùng với quế để tăng hương vị.
Lẩu gà
Nên dùng kết hợp xương heo và xương gà để nấu. Như thế, nước lẩu sẽ ngon hơn. Ngoài ra, trong nước lẩu gà bạn còn nên cho gừng, hành tím nướng đã đập dập vào. Thêm 1 đến 2 cây sả, cà chua, dứa. Sau khi nấu xong nước dùng gà, trước khi ăn lẩu, bạn nên thêm vào nước dùng một gói thuốc bắc, nấm hương, sa tế để vị đậm đà hơn.
Lẩu cá
khi nấu nước lẩu, ngoài sử dụng xương heo, bạn nên dùng thêm xương cá. Cho vào nước lẩu, gừng và sả nướng, thêm nhiều nguyên liệu để tăng vị chua. Đặc biệt là trước khi ăn, bạn nên thêm vào nước dùng rau thì là để có món ăn thơm ngon đúng chuẩn.
Lẩu hải sản, thập cẩm
Trong nước dùng nên có xương, dứa, gừng, sa tế, sả… Bên cạnh đó, vị đặc trưng của lẩu hải sản nên có là cay, ngọt, chua. Vì vậy, khi thêm các loại nguyên liệu, gia vị bạn nên đảm bảo chúng có đầy đủ các vị trên nhé.
Làm thế nào để các loại nước lẩu ngon đậm đà?
Xương sau khi mua về, bạn nên rửa sạch rồi chần qua nước sôi. Mục đích giảm mùi hôi, cặn bẩn, bọt khí khi nấu. Sau khi chần, bạn rửa qua xương với nước lạnh. Rồi mới cho vào nồi nấu, điều chỉnh ngọn lửa lớn để nước nhanh sôi. Khi nước dùng sôi, bạn hạ thấp lửa để nước sôi nhỏ. Khi các bọt khí cô lại, bạn hớt bỏ đi. Xương ống của bò, trước khi nấu, bạn cần nướng dưới nhiệt độ cao để nước dùng trong và thơm ngon hơn.
Thời gian nấu nước dùng không cố định. Bởi tùy từng loại xương khác nhau mà thời gian nấu sẽ không giống nhau. Với nước dùng cho lẩu hải sản, nước dùng không nấu quá 45 phút để tránh nước dùng bị đục, chua. Nước dùng heo, gà thì nấu trong 4 đến 6 tiếng. Còn nước dùng bò thì nấu từ 8 đến 10 tiếng.
Mẹo khắc phục nước lẩu bị đục
– Nồi nước dùng gà bị đục, bạn chỉ cần cho thêm xương gà vào nấu, nước sẽ trong, ngon ngọt hơn.
– Các loại nước dùng khác nếu gặp tình trạng đục thì trộn hỗn hợp nấm hương cùng lòng trắng trứng cho vào nước dùng đã nguội. Nước dùng sẽ không còn bị đục nữa nhé.
Tham khảo các thông tin trong bài viết này thật cẩn thận, chú ý trong việc chọn mua nguyên liệu, cách nấu, thời gian nấu thì bạn sẽ luôn có nồi nước lẩu ngon tuyệt mọi lúc nhé. Còn gì tuyệt với hơn trong những ngày thời tiết se lạnh, đặc biệt là mùa đông, mọi người cùng ngồi quây quần quanh nồi lẩu nóng hổi, nghi ngút khói vừa xì xụp thưởng thức nước lẩu ngon, ngọt, vừa trò chuyện cùng nhau vui vẻ. Hi vọng những bí quyết trên sẽ giúp bạn có thêm cách làm nước lẩu ngon, trọn vị!