Mục đích chung của liệu pháp dinh dưỡng cho bệnh nhân viêm gan là tránh gánh nặng và tổn thương cho gan, thúc đẩy tái tạo mô gan, ngăn ngừa tổn thương gan lâu dài. Ngoài ra, ăn uống có thể thúc đẩy quá trình chuyển hóa vật chất của gan, cải thiện chức năng miễn dịch và loại bỏ một số triệu chứng. Phương pháp thực dưỡng sẽ khác nhau tùy theo từng người bệnh, từng giai đoạn bệnh. Tuy nhiên có một số món ăn được chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo người bệnh viêm gan nên thường xuyển bổ sung.
Tìm hiểu về bệnh viêm gan
Viêm gan là tình trạng các tế bào bị tổn thương và viêm. Bệnh thường có diễn biến thầm lặng và có nguy cơ biến chứng nghiêm trọng như xơ gan hay thậm chí là ung thư gan. Virus viêm gan là nguyên nhân gây viêm gan phổ biến nhất hiện nay. Một số bệnh nhiễm trùng khác hay một số chất độc hại, chẳng hạn như rượu, thuốc và các bệnh tự miễn cũng có thể gây viêm gan. Hầu hết những người mắc bệnh viêm gan chỉ phát hiện được bệnh khi đã ở giai đoạn nặng.
Có 5 loại virus viêm gan chính, bao gồm A, B, C, D và E. 5 loại này chính là mối quan tâm lớn nhất hiện nay vì tính chất nghiêm trọng mà chúng gây ra, thêm vào đó là khả năng bùng phát dịch bệnh lan rộng. Đặc biệt, virus viêm gan B và C có thể tiến triển thành bệnh mãn tính, đây cũng là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh xơ gan và ung thư gan.
Viêm gan A và E thường lây lan qua đường tiêu hóa. Viêm gan B, C và D lây truyền qua đường máu, quan hệ tình dục và từ mẹ sang con.
Nhiễm trùng cấp tính có thể xảy ra mà không có bất cứ triệu chứng nào hoặc có thể bao gồm các biểu hiện như vàng da (vàng da và mắt), nước tiểu sẫm màu, mệt mỏi, sốt, buồn nôn, nôn và đau bụng.
Những món ăn hàng ngày dành cho người bệnh viêm gan
Gan heo xào củ cải
Vật liệu: gan heo 250g, củ cải 250g, dầu ăn, hành, bột nêm với mỗi thứ một ít.
Chế biến: gan heo và củ cải thái lát mỏng. Dùng dầu xào củ cải cho đến gần chín, thêm muối vừa đủ, múc lên đĩa; lại bắc chảo lên bếp, thêm 2 muỗng dầu, cho nóng, cho vào gan lát xào nhanh trong 3 phút, thêm củ cải lát xào chung, vài phút sau, thêm hành, bột nêm gia vị thì hoàn tất.
Cách dùng: dùng làm món phụ, ngày 2 lần.
Công hiệu: bổ hư ích can, khai vị kiện tỳ.
Chủ trị: thích hợp dùng cho người bệnh viêm gan mạn tính thể can tỳ lưỡng hư.
Canh ba ba nấu tủy heo
Vật liệu: ba ba 1 con, tủy heo 200g, vật liệu nêm nếm vừa đủ.
Chế biến: tủy heo rửa sạch chứa trong chén, ba ba sau khi giết mổ bằng nước sôi bỏ đầu, móng, nội tạng, cho vào nồi, thêm nước đun sôi bằng lửa to, thêm gừng, hành, bột tiêu, chuyển lửa nhỏ nấu gần chín, thêm tủy heo, nấu chung đến chín, bỏ bột nêm.
Cách dùng: dùng canh ăn thịt, dùng làm món phụ.
Công hiệu: tư âm bổ thận, điền tinh ích tủy.
Chủ trị: thích hợp dùng cho người bệnh viêm gan mạn tính, xơ gan thể thận âm bất túc, có triệu chứng đau ngầm hông sườn, sắc mặt sạm, váng đầu hoa mắt, mộng nhiều di tinh, lưng gối mỏi đau.
Thịt bò nấu cà chua
Vật liệu: cà chua 250g, thịt bò 100g.
Chế biến: cà chua rửa sạch thái lát, thịt bò thái lát nhỏ, thêm ít dầu, muối, đường nấu chung đến chín.
Cách dùng: dùng làm món phụ.
Công hiệu: dưỡng can bổ tỳ.
Chủ trị: thích hợp dùng cho người bệnh viêm gan mạn tính, tăng huyết áp. Các chứng đau tức vùng gan, váng đầu ù tai.
Gỏi ba màu
Vật liệu: củ cải 150g, cà rốt 150g, củ su hào 150g, vật liệu nêm nếm vừa đủ.
Chế biến: tất cả vật liệu lần lượt rửa sạch thái sợi, theo thứ tự sắp xếp lên đĩa với bên ngoài là su hào, giữa là cà rốt và trong là củ cải, dùng nước mắm, giấm, muối, bột nêm trộn thành xốt rưới lên trên mặt.
Cách dùng: dùng làm món phụ.
Công hiệu: sơ can tiêu thũng, lý khí giảm đau.
Chủ trị: thích hợp dùng hỗ trợ điều trị cho người bệnh gan nhiễm mỡ với triệu chứng đau ở vùng gan, đầy bụng, tức ngực hoặc ho khạc nhiều đàm.
Đậu phụ tiềm ngân nhĩ
Vật liệu: nấm rơm 100g, ngân nhĩ 50g, đậu phụ 3 lát.
Chế biến: nấm rơm rửa sạch, ngân nhĩ ngâm nước, đậu phụ thái lát nhỏ. Bắc chảo lên bếp, đổ dầu, chiên đậu phụ ngả vàng, thêm ít nước, thêm nấm rơm, ngân nhĩ, hầm với lửa nhỏ, nêm muối, đường, bột nêm, nước tương, dầu mè, thêm bột năng nấu sôi thì hoàn tất.
Cách dùng: dùng tùy lượng.
Công hiệu: bổ ích tỳ vị, dưỡng âm nhuận táo.
Chủ trị: viêm gan mạn tính thể tỳ hư âm suy, biểu hiện mỏi mệt mất sức, chán ăn, đại tiện táo, họng khô miệng khát, đôi lúc phiền nhiệt.
Mứt nước củ cải
Vật liệu: củ cải 500g, mật ong 150g.
Chế biến: củ cải rửa sạch, thái hạt lựu, cho vào nước nấu sôi vớt ra, để ráo nước, phơi râm nửa ngày, cho vào nồi đất, thêm mật ong, đun sôi bằng lửa nhỏ, trộn đều thì hoàn tất. Để nguội, chứa trong keo.
Cách dùng: dùng sau bữa ăn.
Công hiệu: khoan trung lý khí.
Chủ trị: trướng bụng, nôn ói, ăn không tiêu.
Cháo gan gà
Vật liệu: gan gà trống 1 cái, gạo 100g, gừng, hành, muối, bột nêm vừa đủ, dầu mè 10ml.
Chế biến: gan gà trống rửa sạch, thái lát nhỏ, tất cả cùng cho vào 400ml nước, ninh thành cháo, gia vị nêm nếm.
Cách dùng: dùng lúc bụng đói.
Công hiệu: bổ thận mạnh lưng, ích can khí.
Chủ trị: thích hợp dùng cho người bệnh viêm gan mạn tính suy giảm sức miễn dịch.
Nước táo đỏ – vỏ quít
Vật liệu: vỏ quít 50g, đại táo 10 quả, đường trắng vừa đủ.
Chế biến: vỏ quít rửa sạch, đại táo bỏ hột rửa sạch, cùng cho vào nồi thêm nước vừa đủ để đun, sau khi sôi nêm đường trắng thì hoàn tất.
Cách dùng: dùng uống thay trà mọi lúc, dùng liền 1 tuần.
Công hiệu: thanh nhiệt giải độc, bảo vệ gan chống vàng da.
Chủ trị: viêm gan cấp tính.
Bánh thịt xào hải sâm
Vật liệu: hải sâm khô 300g, thịt heo xay 600g, nấm hương 200g, trứng gà 1 quả, vật liệu nêm nếm vừa đủ.
Chế biến: hải sâm ngâm nước 2 ngày, rửa sạch, nấm hương ngâm nước ấm, rửa sạch. Thịt heo xay cho vào chén, thêm vừa đủ bột năng, đường trắng, muối, trứng gà trộn đều, chia thành 3 khoanh tròn, chấm lên bột năng làm thành bánh, cho vào chảo có dầu chiên gần chín, gắp ra. Chừa dầu trong chảo, thêm hải sâm, nấm hương vào chảo xào sơ, thêm nước vừa đủ, thêm các bánh thịt vào hầm đến khi nước cô, rưới lên dầu mè, nước tương, làm xốt đảo đều múc lên đĩa thì hoàn tất.
Cách dùng: dùng làm món phụ.
Công hiệu: tư thận dưỡng huyết, cường tráng bổ thận.
Chủ trị: viêm gan mạn tính thể thận tinh hư tổn, rối loạn chức năng gan.
Thịt bò nấu vỏ quít
Vật liệu: thịt bò 1 kg, vỏ quít 30g, củ cải 500g, bột nêm, muối mỗi thứ một ít.
Chế biến: thịt bò thái lát, ngâm trong nước lạnh nửa giờ vớt ra, để ráo phần nước. Vỏ quít rửa sạch thái lát, củ cải gọt vỏ, thái lát xiên. Đổ nước vào nồi đun sôi, thêm vào thịt bò, vớt váng, cho đến khi thịt chín thêm vỏ quít, củ cải, chuyển lửa nhỏ, duy trì nấu sôi, chờ củ cải mềm nêm muối, bột nêm thì múc ra tô, loại bỏ vỏ quít, dùng canh ăn thịt.
Cách dùng: ngày 2 lần, dùng liền 1 tuần.
Công hiệu: điều khí hoạt huyết, tư bổ can thận.
Chủ trị: thích hợp dùng cho người bệnh viêm gan mạn tính, xơ gan, có triệu chứng đau tức hông sườn, ngực sườn đầy tức, lưng gối mỏi đau, váng đầu hoa mắt, mất ngủ mộng nhiều.
Giấm lê
Vật liệu: lê vừa đủ, giấm gạo vừa đủ.
Chế biến: lê gọt vỏ, thêm giấm gạo ngâm trong vài ngày.
Cách dùng: dùng thường xuyên.
Công hiệu: liễm âm nhuận táo.
Chủ trị: viêm gan.
Trên đây là những món ăn dinh dưỡng dành cho người bệnh viêm gan. Hãy lưu lại cách làm bạn nhé! Chúc bạn luôn khỏe và thành công!