Hiện tại vẫn chưa có cách nào loại bỏ hoàn toàn virus viêm gan B ra khỏi cơ thể, chỉ có phương pháp điều trị mới có thể ngăn chặn virus nhân lên, giảm nồng độ virus trong máu cùng tổn thương tế bào gan, hạ men gan. Để có được hiệu quả điều trị tốt nhất, người bệnh nên tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ, chế độ sinh hoạt hợp lý và quan trọng nhất là chế độ dinh dưỡng. Người bệnh viêm gan B cần có chế độ ăn uống hợp lý, cần dùng các thức ăn dễ tiêu như rau đậu, trái cây, ngũ cốc và hoa quả để bổ sung nhiều chất xơ. Dưới đây là tổng hợp những món ăn ngon dành cho người bệnh viêm gan B thường được các chuyên gia khuyên dùng.
Tổng quan bệnh viêm gan B
Viêm gan B là một bệnh nhiễm trùng do vi rút tấn công gan. Nó có thể gây viêm gan cấp tính và mãn tính. Ước tính có đến gần 1/3 dân số thế giới mắc bệnh, tỉ lệ mắc nhiều nhất tại các nước đang phát triển.
Nhiễm virus viêm gan B mạn tính là nguyên nhân chính gây bệnh gan ở Việt Nam như xơ gan và ung thư gan. Việt Nam là nước có tỷ lệ hiện mắc viêm gan B cao. Ước tính có khoảng 8,6 triệu người nhiễm virus viêm gan B. Tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B mạn tính được ước tính khoảng 8,8% ở phụ nữ và 12,3% ở nam giới. Bệnh lây truyền qua tiếp xúc với máu hoặc các chất dịch khác của cơ thể người bị nhiễm bệnh. Đường lây truyền viêm gan B chính ở Việt Nam là từ mẹ sang con.
Hiện nay viêm gan B là bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc xin an toàn và hiệu quả. Vắc xin viêm gan B đã được đưa vào sử dụng từ năm 1982. Hiệu quả của vắc xin viêm gan B đạt 95% trong ngăn ngừa lây nhiễm và các hậu quả mãn tính của nó. Ở Việt Nam, tiêm chủng vắc xin viêm gan B cho tất cả trẻ sơ sinh đã được triển khai từ năm 2003.
Tổng hợp các món cháo ngon bổ dành cho người viêm gan B
Cháo rau má
Rau má tươi 100g, đậu xanh 50g, gạo tẻ 50g. Rau má rửa sạch cắt nhỏ, gạo, đậu xanh vo sạch cho vào nồi với lượng nước vừa đủ để nấu thành cháo nhừ. Sau đó, cho rau má vào, nấu sôi lại vài phút. Ăn nóng lúc đói với ít muối hoặc đường. Món này có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, thích hợp với người bị viêm gan B cấp tính.
Cháo gạo lức, hải sâm
Gạo lức 80g, hải sâm 40g, cải cúc (hoặc cải bẹ xanh) 40g, táo đỏ tám trái. Gạo lức vo sạch, hải sâm ngâm mềm, cải cúc rửa sạch, cắt nhỏ, táo đỏ rửa sạch, bỏ hột. Nấu gạo thành cháo nhừ, cho các nguyên liệu vào nấu thêm với lửa nhỏ vài phút. Ăn nóng lúc đói. Món này thích hợp với người bị viêm gan B mạn tính, cơ thể suy nhược, ăn ngủ kém.
Cháo nhân trần
Nhân trần cao 50g, gạo tẻ 100g, đường trắng vừa đủ. Dùng 600ml nước để sắc nhân trần trong 30 phút. Bỏ bã lấy nước đổ vào nồi, cho gạo tẻ vào, dùng lửa nhỏ hầm thành cháo, thêm đường trắng, trộn đều để ăn.
Món cháo này giúp thanh nhiệt giải độc, lợi thấp, thoái hoàng, thích hợp cho người bị viêm gan vàng da lây nhiễm cấp tính, tiểu tiện khó, bí tiểu.
Cháo đậu xanh, lá sen
Chuẩn bị: 30g đậu xanh, 1/4 lá sen tươi, 100g gạo tẻ.
Cách làm:
- Đậu xanh để nguyên vỏ, loại bỏ tạp chất, rửa sạch rồi cho vào nồi nấu.
- Sau khi đậu xanh chín, vo gạo tẻ và bỏ vào rồi, cho thêm lá sen tươi vào nồi nấu cùng.
- Nấu cháo cho đến khi chín nhừ và hợp khẩu vị
Bạn nên chia ăn làm 2 bữa mỗi ngày, những lúc cảm thấy đói.
Cháo thịt bò, cà rốt
Món cháo này có tác dụng bổ tỳ, ích khí huyết, giải độc, chống suy nhược, có lợi cho người bị các bệnh viêm gan, khí huyết kém cũng như những bệnh nhân viêm gan mãn tính được các bác sĩ khuyên dùng.
Chuẩn bị: 100g thịt thăn bò, 50g gạo tẻ, 1 củ cà rốt lớn, hành và gia vị vừa đủ với khẩu vị.
Cách làm:
- Cạo sạch vỏ cà rốt, rửa sạch và cắt hạt lựu.
- Vo gạo rồi nấu cho đến khi nhừ thành cháo.
- Rửa sạch thịt bò, luộc chín, thái lát mỏng.
- Phi thơm hành rồi cho cà rốt vào đảo, cho bò vào, nêm gia vị đủ dùng.
- Cho tất cả nguyên liệu trên vào cháo rồi nấu sôi lên lần nữa là dùng được.
- Mỗi ngày ăn 2 lần vào sáng và tối.
Với những món cháo dành cho người viêm gan mãn tính vô cùng bổ dưỡng trên đây, hi vọng bạn sẽ có những bữa ăn ngon miệng và bổ dưỡng.