Viêm khớp dạng thấp là một bệnh mãn tính do rối loạn tự miễn trong cơ thể gây ra, bệnh xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào các mô trong cơ thể. Bệnh này gây viêm (đỏ, sưng tấy), gây đau khớp, cứng và sưng tấy, chủ yếu ở các khớp tay, lưng, bàn chân, đầu gối. Viêm khớp dạng thấp không chỉ gây tổn thương cho các khớp xương trên cơ thể mà còn gây tổn thương toàn bộ hệ thống cơ thể. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ bật mí cho bạn một số món ăn dinh dưỡng cho người bệnh viêm khớp dạng thấp.
Tổng quan bệnh viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp hay còn gọi là viêm đa khớp dạng thấp. Đây là một bệnh lý mạn tính do rối loạn tự miễn trong cơ thể gây nên, xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào các mô trong chính cơ thể. Không giống như tổn thương hao mòn của viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng đến niêm mạc khớp của bạn. Chúng gây sưng đau cuối cùng có thể dẫn đến xói mòn xương và biến dạng khớp ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt hàng ngày. Chẳng hạn như viết, mở chai lọ, mặc quần áo và mang vác đồ vật. Viêm khớp mắt cá, khớp gối hoặc khớp bàn chân có thể gây khó khăn cho bạn khi đi đứng và cúi người.
Cứ 100 người trưởng thành thì có 1 đến 5 người bị viêm khớp dạng thấp. Bệnh thường phổ biến ở những người có độ tuổi từ 20 đến 40 tuổi. Trong số đó, bệnh nhân nữ, đặc biệt là phụ nữ trong thời kỳ mang thai, nhiều gấp 2-3 lần bệnh nhân nam. Bệnh diễn biến phức tạp gây hậu quả nặng nề. Do đó cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Các món ăn ‘tiên dược’ dành cho người bị viêm khớp dạng thấp
Cháo gạo lứt, ý dĩ
Nguyên liệu:
– Gạo lứt 100g.
– Ý dĩ nhân 100g.
Cách làm:
Vo sạch gạo lứt, ngâm nước hơn 2 giờ. Đãi sạch ý dĩ nhân, để ráo. Hai thứ cho vào nồi cùng một lượng nước vừa đủ, nấu sôi, hạ nhỏ lửa nấu cho đến khi gạo và ý dĩ nở chín nhừ là được.
Dùng vào bữa sáng và bữa tối. Món ăn này có tác dụng khu phong, tán hàn, trừ thấp, kiện tỳ, thông kinh lạc.
Canh lá lốt
Nguyên liệu:
– Lá lốt 50g.
– Tôm hoặc thịt lợn nạcc100g.
– Gừng tươi 5g, rau húng quế (hoặc lá ngải cứu), gia vị các loại.
Cách làm:
Tôm (hoặc thịt lợn nạc) làm sạch, xắt nhỏ, ướp gia vị. Lá lốt rửa sạch, xắt nhỏ, cho vào nồi cùng với lượng nước vừa đủ, nấu sôi, cho tôm vào, nấu thành canh, cho thêm ít gừng tươi giã dập.
Tắt lửa, cho lá rau húng quế (hoặc lá ngải cứu) xắt nhỏ vào khuấy đều là được. Dùng ăn nóng trong bữa cơm.
Món canh lá lốt giúp cơ thể được ấm áp, giảm đau nhức, chống tình trạng cơ thể ớn lạnh, nặng nề, buồn bực, không muốn hoạt động. Rất thích hợp cho người bị mắc mưa hoặc ngâm nước thời gian lâu, đau nhức khớp xương do các khí phong, hàn và thấp gây ra.
Xương lợn hầm khoai sọ
Nguyên liệu:
– Khoai sọ 60g.
– Xương chân hoặc xương sống lợn 100g.
– Gia vị các loại.
Cách làm:
Khoai sọ gọt vỏ rửa sạch, xương lợn chặt thành đoạn ngắn, thêm muối, nước, gia vị. Đun nhỏ lửa trong 2 giờ, ăn ngày 2 lần.
Món ăn này có tác dụng khu phong, trừ thấp, giảm đau, dùng cho các trường hợp đau nhức tay chân, nổi ban dị ứng.
Một số món ăn khác tốt cho người viêm khớp dạng thấp
Thịt dê 500 g, cà rốt 250 g, gia vị vừa đủ. Cà rốt, thịt dê rửa sạch thái miếng, ướp gừng tươi xào 5 phút trong chảo dầu nóng, cho thêm ít rượu vang, muối, xì dầu và ít nước lạnh om trong 15 phút, sau bỏ vào nồi đất, cho vỏ quýt với 3 bát nước lã to, nổi lửa to, sôi hạ lửa riu riu đun trong 2 giờ khi thịt dê chín nhừ là được, ăn trong bữa cơm.
Thịt mèo 250 g, tỏi 30 g, dầu, muối, mì chính. Làm sạch thịt mèo, thái miếng, tỏi bỏ vỏ. Cho vào nồi, đổ nước, dầu, muối hầm chín nhừ, nêm mì chính bắc ra ăn trong bữa.
Đu đủ 10 g, mễ nhân (sống) 30 g. Rửa sạch, cho cả hai thứ vào nồi, đổ một bát nước to, đun lửa nhỏ đến khi thấy mễ nhân chín nhừ thì cho 1 thìa đường trắng vào, sấy khô. Hằng ngày dùng ăn điểm tâm.