Như chúng ta đã biết, người già thường hay mắc nhiều bệnh. Vì thế, dinh dưỡng cho người già cần được quan tâm hơn so với các lứa tuổi khác. Đặc biệt, đối với những người già có triệu chứng thận hư lưng đau thì càng phải được chú ý nhiều hơn ở chế độ ăn uống, dinh dưỡng. Thận hư đau lưng ở những người già thường kéo dài lâu ngày, đa số là không thể khỏi nhanh được, vì thế, họ cần được bồi bổ bằng những món ăn thuốc. Dưới đây là những món ăn thuốc giúp hỗ trợ chữa tình trạng thận hư đau lưng ở tuổi già, tùy điều kiện có thể chọn dùng thích hợp và hiệu quả.
Người già mắc bệnh thận thường kéo theo tình trạng đau lưng
Thận là nơi lọc chất thải và độc tố từ máu, vì vậy chúng dễ bị nhiễm trùng và tổn thương hơn các cơ quan khác. Lượng canxi, oxalat và phốt pho dư thừa có thể tích tụ trong thận để hình thành sỏi thận, có thể gây đau nếu chúng gây tắc nghẽn. Thận nằm cạnh cột sống thắt lưng ở phía dưới của xương sườn. Một người bình thường sẽ có 2 quả thận nằm đối xứng ở hai bên cột sống thắt lưng, thận bên trái sẽ nằm cao hơn thận bên phải khoảng 2cm. Bệnh thận có thể gây cảm giác đau ở phần trên của lưng. Đau từ các cơ hoặc cột sống xuất hiện khi cúi xuống hoặc nâng một vật, và có thể được cảm thấy ở giữa lưng hoặc ở hai bên lưng.
Các nguyên nhân phổ biến nhất của đau thận ở lưng là:
- Nhiễm trùng: Nhiễm trùng ở thận được gọi là viêm bể thận cấp tính.
- Sỏi thận: Sỏi có thể gây ra một cơn đau rất nghiêm trọng xảy ra kèm co thắt, và đau lan xuống háng, còn được gọi là cơn đau quặn thận.
Các triệu chứng khác của bệnh thận cần lưu ý bên cạnh đau lưng là: Tiểu đau, tiểu rắt, đi tiểu liên tục, nước tiểu có màu lạ, thay đổi vị giác, chán ăn, chóng mặt, nhức đầu, sốt, táo bón, tiêu chảy, miệng có vị kim loại, mệt mỏi, ngứa hoặc phát ban.
Các dấu hiệu tổn thương thận nghiêm trọng hoặc các vấn đề có thể bao gồm:
- Hôi miệng
- Miệng có vị kim loại
- Thở ngắn
- Sưng phù chân, mắt cá chân hoặc bàn chân
- Lú lẫn
- Nhịp tim không đều
- Chuột rút
Một số món ăn thuốc dùng cho người già thận hư đau lưng
1. Canh phụ tử, dạ dày lợn:
Dạ dày lợn 1 cái, phụ tử chín 10g. Rửa sạch dạ dày lợn, nhét phụ tử vào trong, dùng chỉ khâu lại, đổ vào nồi đất hầm 2 giờ. Cho gia vị, uống nước canh, ăn dạ dày lợn. Cần ăn tuần vài lần.
2. Ba ba hầm đỗ trọng:
Ba ba 1 con, đỗ trọng 15g cùng cho vào nồi để nhỏ lửa hầm trong 4 giờ liền. Sắp được thì cho hành, gừng, muối, đun sôi là được. Ăn tuần 1-2 lần.
3. Đỗ trọng hầm bầu dục cừu:
Bầu dục cừu 2 quả, đỗ trọng 15g. Đỗ trọng rang chín tán bột, bầu dục bổ ra rửa sạch, cho bột đỗ trọng vào trong, ngoài bọc lớp vải thưa, cho vào nồi để lửa nhỏ hầm chín. Ăn bầu dục, uống nước canh.
4. Gân hưu nấu lạc:
Gân hưu 50g, lạc nhân 150g. Cho vào nồi đổ nước hầm 2 giờ, nêm dầu, muối, gia vị, ăn hết. Tuần ăn 2-3 lần.
5. Xuyên khung, đỗ trọng nấu đuôi lợn:
Xuyên khung 20g, đỗ trọng 30g, đuôi lợn 1-2 cái. Cạo lông rửa sạch đuôi lợn, cho cả vào nồi hầm lửa nhỏ trong 1 giờ. Cho muối, gia vị vào ăn.
6. Canh đỗ trọng, câu kỷ tử, chim cút:
Đỗ trọng 15g, chim cút 1 con, câu kỷ tử 30g. Cả 3 thứ cho vào sắc lấy nước uống, ăn thịt chim cút.
7. Gan lợn nấu đỗ trọng:
Đỗ trọng 50g, gan lợn 200g. Lấy muối rửa sạch gan lợn, thái miếng, cho nước vào nấu canh với đỗ trọng, đến khi gan nhừ nêm gia vị vừa ăn, uống nước canh.
Các bài thuốc trên cần ăn liền trong vài tuần.